Hôm nay ông bạn có chia sẻ 1 bài viết khá là hay ho về cách mạng Công nghiệp 4.0, mình nghĩ chia sẻ lại Facebook thì không nhiều người xem – lướt trên mạng thì cũng chưa thấy ai chia sẻ nên mình liên hệ Nam Nhat Tran – tác giả của chia sẻ thú vị này để đăng lên Share Ngay cho mọi người cùng thảo luận. Vì đây là chia sẻ của tác giả nên mình xin phép giữ nguyên tác nhằm tôn trọng bạn í.
Cùng Bà Na tìm hiểu cách mạng 4.0 là gì nhé!
A. Thầy bói xem voi 4.0.
Lâu rồi không viết lách gì, hôm nay lại nhân dịp mất ngủ dậy sớm mà không dám đi chạy, tranh thủ ngồi viết chút.
Chủ đề hôm nay là bàn về khái niệm mà nhà nhà nói đến, người người nói đến, công ty nào cũng hướng đến nhưng lại khá mơ hồ với hầu hết chúng ta.
Phần lớn chúng ta thấy 4.0 theo cách của thầy bói xem voi như kiểu ông tóm được cái đuôi thì bảo là AI (trí tuệ nhân tạo), ông sờ cái tai thì bảo Big Data (dữ liệu lớn), ông sờ chân thì nói Cloud Computing (Điện toán đám mây), ông sờ chỗ nào ko biết nhưng có nhiều lông thì hét toáng lên là Internet of Things (Internet cho vạn vật) nhiều thế cơ mà, ông bình tĩnh hơn thấy con voi tự đi thì đoán là Automation (tự động hoá).
Tóm lại là chúng ta vẫn chưa gói gọn được 4.0 thành 1 thể thống nhất để hiểu nó xuyên suốt.
- Như 1.0 dễ hiểu là Hơi Nước thay sức lao động cho nông dân, biến nông dân thành công nhân cổ đen (than đen xì).
- Như 2.0 là Điện lại càng nâng cao sức sản xuất hàng loạt biến cổ đen thành cổ xanh.
- Như 3.0 là Điện toán (computer) biến cổ xanh thành cổ trắng, công nhân lập trình ngồi nhà code cho mát.
B. Vậy 4.0 thì là cái gì, nó khác gì 3.0?
Trong thời đại 3.0 cũng có Cloud, cũng có AI, cũng có Automation, cũng có IoTs, cũng có Big data mà. Có phải bây giờ mới có robot lắp ráp oto đâu, có phải bây giờ mới có cloud đâu, có phải bây giờ mới có Bigdata đâu? Có khá lâu rồi mà.
Tuy nhiên, cái khác ở đây là tất cả các tiến bộ trên được thổi hồn vào để nâng lên một tầm mới cao hơn nhiều. Một cỗ máy chỉ làm theo lập trình là cỗ máy vô hồn. Cỗ máy biết học, biết suy nghĩ để tự điều chỉnh hành vi của mình ngày một tốt hơn mới là cỗ máy có hồn.
Vậy cái lõi của 4.0 chính là AI, tức là con người phải thổi hồn cho máy, để máy giải phóng không chỉ sức lao động cơ bắp mà cả sức lao động trí não của con người.
Rồi, chúng ta hiểu được bộ não của con voi 4.0 rồi, chúng ta suy luận tiếp các bộ phận còn lại để thấy con voi rõ ràng hơn.
C. Những nút thắt liên kết chặt chẽ đã tạo thành cách mạng công nghiệp 4.0 như thế nào?
Để có bộ não AI (Trí tuệ nhân tạo) ngày càng thông minh hơn, nó cần được học và chúng ta cần dạy nó học và bảo nó tự học, vì thế ta cần Machine Learning (công nghệ máy học).
Để nó tự học sâu, biết rộng theo các mô hình Machine Learning thì nó cần rất nhiều sách vở, dữ liệu đầu vào để dạy gọi là trainning data. Dữ liệu này càng lớn thì càng tốt, càng phổ quát, càng bao hàm nhiều được các thực tế phát sinh càng tốt, vì vậy ta mới cần Big data (dữ liệu lớn).
Nhưng mà dữ liệu của một công ty, một tổ chức, một địa điểm không đủ lớn, không đủ tính phổ quát nên rất cần tập trung các dữ liệu này lại ở một chỗ mà máy có thể lấy xuống học dễ dàng chứ không phải bò hết từ VN sang Mỹ để học, vì thế mới cần có Cloud data (dữ liệu trên mây).
Dữ liệu lớn khủng khiếp thế 1 con voi học không xuể nên cần nhiều voi học chung một lúc cho hiệu quả nên mới có Cloud Computing (điện toán đám mây).
Khi đó, đàn Voi học nhanh quá, ngày càng đói dữ liệu, các dữ liệu do con người tạo ra từ hàng nghìn năm nay vẫn chưa đủ, vì thế, cần có thêm nguồn thu nhận và tạo data mới để máy học tốt hơn. Ví dụ, dữ liệu của một ngân hàng qua hàng chục năm là rất lớn, dữ liệu của hàng trăm hàng nghìn ngân hàng lại càng khủng khiếp hơn, dữ liệu của nhiều ngành kinh tế khác lại càng khiếp đảm hơn nữa nhưng tựu trung lại vẫn là do con người thu thập lưu trữ lại trong hàng trăm, hàng ngàn năm qua. Vậy nên vẫn chưa đủ. Giả sử hàng tỷ chiếc smartphone, trăm triệu xe hơi, máy giặt, tủ lạnh, vệ tinh, máy bay ko người lái, máy ATM, camera quan sát, thiết bị y tế, đồng hồ thông minh, vô vàn cảm biết của vô vàn các thiết bị khác cùng một lúc thu thập dữ kiệu về mọi thứ thì lượng data sẽ khủng khủng khủng khiếp đến mức nào. Lúc đó đàn Voi sẽ tha hồi bơi lội vùng vẫy trong biển data vô tận do IoTs (internet vạn vật tạo ra).
Đàn Voi bơi mãi, bơi mãi cũng đuối, học mãi học mãi cũng không hết vì năng lực có hạn, vì thế cần nâng cấp năng lực học cho đàn voi, người ta phải nghĩ đến năng lực vô biên của Quantum Computer (máy tính lượng tử). Nếu máy tính thường chỉ tính toán dựa trên hai con số 0 và 1 thì máy tính lượng tử tính toán dựa trên vô vàn trạng thái lượng tử của một hạt nên sức tính toán là cực khủng. Cái này mình chưa nghiên cứu sâu nên chỉ biết đến vậy.
Nhưng để tạo ra những siêu năng lực tính toán và sản xuất tự động như vậy, thế giới cần nhiều năng lượng hơn hiện nay rất nhiều. Trong khi năng lượng hoá thạch cạn dần, năng lượng gió hay mặt trời đang chậm chạp thay thế thì một nguồn năng lượng vô tận tiềm ẩn đang sắp được nghiên cứu thành công, đó là năng lượng nhiệt hạch, Fussion Energy. Năng lượng này sinh ra do phản ứng hợp hạch của hai nguyên tử hydro nhẹ, chính là phản ứng để tạo ra năng lượng trong lõi của mặt trời. Năng lượng này nếu được sản xuất thành công thì con người không còn phải lo đến vấn đề năng lượng trong hàng trăm triệu thậm chí hàng tỷ năm tới.
Wow, ngồi sâu chuỗi quả 4.0 này cho đến khi toàn bộ fussion energy tiếp sức cho Quantum Computing, cho IoTs, cho AI, cho Automation thì thế giới hẳn sẽ sang một trang mới khủng khiếp thế nào.
Bức tranh công nghệ đã khá rõ. Vậy con người nằm đâu trong đống máy móc khủng khiếp 4.0 đó, vai trò con người lúc đó ra sao, phần tiếp theo của Series 4.0 này mình sẽ viết tiếp về con người trước, trong và sau 4.0 nhé.
Trong lúc chờ đợi mất ngủ thì các bạn thử con Robo Advisor của TCBS nhé: https://wealth.tcbs.com.vn
Đố các bạn con này mấy chấm?