Tản mạn các loại thẻ Ngân Hàng qua trải nghiệm thực tế tại Việt Nam?

21
11425

Xin chào mọi người, đây sẽ là một note nho nhỏ chia sẻ về những thông tin và lưu ý cần thiết khi sử dụng thẻ ngân hàng dựa trên chính trải nghiệm của bản thân mình.

Dạo gần đây, một số dịch vụ bắt đầu du nhập vào Việt Nam như Spotify, Netflix, Apple Music,… và nếu như muốn đăng ký sử dụng thì buộc phải có thẻ ngân hàng để thanh toán. Cũng chính vì thế mà xuất hiện khá nhiều bài đăng hay một số bạn hỏi: “Làm thẻ của ngân hàng nào tốt?”. Câu trả lời của mình là TPBank và mình sẽ giải thích kỹ hơn lý do tại sao trong cái note này.

Lưu ý: Toàn bộ thông tin trong note là dựa trên trải nghiệm và sự tìm hiểu của mình. Chính vì vậy có thể sẽ có những sai sót về thông tin, mong rằng mọi người có thể bổ sung thêm.

1. Các loại thẻ:

Thẻ được phân loại theo 2 hướng chính sau: Ghi nợ/Tín dụngQuốc tế/Nội địa.

Quốc tế/ Nội địa thì cái tên đã nói khá rõ rồi. Thẻ Nội Địa chỉ cho phép bạn sử dụng trong nước, còn Thẻ Quốc Tế thì cho phép sử dụng cả ở nước ngoài. Phần phân loại ở dưới sẽ là về Thẻ Quốc Tế.

a) Thẻ Ghi nợ/Tín dụng:

Thẻ Ghi nợ (Debit Card): đây là loại thẻ được liên kết trực tiếp với 1 tài khoản thanh toán của bạn tại Ngân hàng phát hành thẻ. Bạn có bao nhiêu tiền trong tài khoản thì bạn sẽ được tiêu bấy nhiêu.

Thẻ Tín dụng (Credit Card): với loại thẻ này thì khi đăng ký, bạn sẽ bắt buộc phải chứng minh thu nhập, các loại tài sản,… Tùy vào khả năng của bạn mà Ngân hàng sẽ cho một hạn mức chi tiêu hàng tháng của thẻ. Và thông thường sau 1 chu kỳ (thường là 45 ngày) thì bạn sẽ phải thanh toán khoản tiền mình đã tiêu cho ngân hàng, trả chậm hạn thì bạn sẽ bị tính thêm lãi. Chính vì thế nên các ngân hàng đều yêu cầu chủ thẻ tín dụng chính phải đủ 18 tuổi hay thậm chí là 21, nếu như chưa đủ thì cách duy nhất để sở hữu đó là phụ huynh tạo cho bạn thẻ tín dụng phụ.

So sánh ưu và nhược điểm của 2 loại thẻ:

  • Một số Ngân hàng cho phép khách hàng chưa đủ 18 tuổi, chỉ cần có Chứng minh thư là đã có thể mở thẻ ghi nợ. Chính vì vậy nên thủ tục mở thẻ ghi nợ là vô cùng đơn giản. Trong khi đó với thẻ tín dụng thì thủ tục phức tạp hơn rất nhiều.
  • Thẻ ghi nợ có rất ít ưu đãi từ đối tác của ngân hàng so với thẻ tín dụng.
  • Khi xảy ra tình huống gian lận thẻ (fraud), thẻ ghi nợ thường sẽ chịu thiệt hơn khi khiếu nại vì lúc thực hiện giao dịch, tiền trong tài khoản thanh toán của bạn đã bị trừ trực tiếp. Trong khi đó, đối với thẻ tín dụng, các trường hợp này thường sẽ được xử lý nhanh hơn bởi tiền được sử dụng là tiền của ngân hàng, và dĩ nhiên, ngân hàng sẽ phải làm mọi cách để quyền lợi của nó được bảo đảm ở mức cao nhất.
  • Thẻ tín dụng thường chỉ để thanh toán chứ không dùng để rút do phí rất cao, thường ít nhất sẽ là 66.000 đồng.

Nói ngắn gọn thì Thẻ Ghi nợ là trả trước tiêu sau còn Thẻ Tín dụng là tiêu trước trả sau. Ngoài 2 loại thẻ này ra thì còn thẻ Trả trước (Prepaid) nhưng hiện không còn phổ biến và không có nhiều ngân hàng cho làm nên mình sẽ không đề cập tới.

b) Thẻ Visa vs MasterCard:

Visa/MasterCard/American Express/JCB/UnionPay/Discover: có không ít người nhầm lẫn rằng đây là những ngân hàng, nhưng thực tế đây chỉ là những công ty thẻ, và phổ biến nhất trên vẫn là 2 ông lớn Visa và MasterCard của Mỹ. Tiếp đó có thể kể đến JCB của Nhật Bản hay ông lớn mới nổi UnionPay của Trung Quốc.

Vài gạch đầu dòng chia sẻ nhiều thông tin hữu ích:

  • Về độ phổ biến thì có thể coi là một chín một mười, tuy nhiên Visa vẫn có phần nào đó nhỉnh hơn. Số ngân hàng ở Việt Nam phát hành thẻ Visa cũng nhiều hơn là MasterCard.
  • Theo như tham khảo của mình thì đa số các thẻ MasterCard Debit có phí rút rẻ hơn là Visa Debit, điều này còn phụ thuộc 1 phần vào ngân hàng.
  • Tỉ lệ chuyển đổi ngoại tệ của thẻ MasterCard thường tối thiểu là 3%/tổng giá trị giao dịch, cá biệt có một số ngân hàng như VIB lên đến 4%, đối với những thẻ MasterCard cao cấp thì tỉ lệ này thấp hơn nhưng vẫn khoảng >2,5%. Trong khi đó thẻ Visa thường có tỉ lệ chuyển đổi thấp hơn 3%.

Đọc thêm về Công nghệ contactless:

Công nghệ contactless – thanh toán không chạm (Visa PayWave/MasterCard PayPass): khi bạn thanh toán tại POS có hỗ trợ công nghệ này, bạn chỉ cần nhập số tiền tại máy POS, sau đó dí sát thẻ vào máy là giao dịch đã thành công. Trong khi đó, đối với các thẻ truyền thống thì bạn sẽ phải nhét thẻ vào khe, ký biên lai thì giao dịch mới hoàn tất. Phương thức này có vẻ không an toàn cho lắm khi mà bạn chỉ cần dí thẻ vào là đã hoàn tất giao dịch nhưng thực chất các giao dịch qua contactless đều có những mức giao dịch trần nên mọi người cũng không thực sự phải qua lo lắng với việc bị mất tiền. Ở các nước phát triển thì công nghệ này đã rất phổ biến và lên đến mức thanh toán các thiết bị hỗ trợ NFC như Google Pay hay Apple Pay, ở Việt Nam thì công nghệ này vẫn chưa thực sự phổ biến. Tin vui là Napas (Cổng dịch vụ thanh toán quốc gia) mới ban hành chuẩn cho việc phát hành các thẻ nội địa tích hợp chip EMV kèm công nghệ này. Chính vì thế trong khoảng 1-2 năm tới thì chúng ta sẽ thấy công nghệ này được phổ biến hơn ở Việt Nam.

2. Chọn ngân hàng nào?

Đây sẽ là phần chính. Bản thân mình cũng mới chỉ dùng các dịch vụ ngân hàng được 1 năm, mình cũng mới chỉ sử dụng Agribank (3 tháng), TPBank (gần 1 năm) và mới đây thì mình tạo thêm 1 tài khoản của VPBank.

a) Agribank:

  • Đây là ngân hàng tệ nhất trong những ngân hàng tệ nhất, bản thân cái tên của ngân hàng (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã đủ nói về nó rồi.
  • Đánh giá: 2/10

Tại sao mình lại đánh giá ngân hàng Agribank 2/10?

  • Vì là ngân hàng nông nghiệp, nên có rất nhiều thủ tục, giấy tờ phải điền. Và tốc độ phục vụ cũng cực kỳ chậm chạp, quan liêu. Khi đăng ký hay khi hủy dịch vụ thì cả 2 lần mình đều mất khoảng tầm 1 tiếng để hoàn thành.
  • Không hỗ trợ chuyển khoản liên ngân hàng 24/24, mọi giao dịch chuyển khoản từ khoảng 16h30 sẽ chỉ được xử lý từ 8h sáng ngày hôm sau.
  • Tuy nhiên, vì là ngân hàng vì nông dân nên Agribank có vài lợi thế như độ phủ rộng các chi nhánh lớn, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.
  • Phí dịch vụ của Agribank tính riêng từng khoản thì có thể coi là rẻ nhưng lại có khá nhiều khoản lẻ tẻ nên tiền phí 1 tháng cũng khá nhiều. Đợt mình sử dụng Agribank mình phải làm 2 thẻ ghi nợ, 1 thẻ nội địa chỉ để rút tiền và 1 thẻ quốc tế chỉ để thanh toán, tổng tất tần tật phí phát hành, phí thường niên, Mobile Banking, phí rút,… trong khoảng 3 tháng từ lúc mình dùng đến lúc đóng tài khoản là hơn 500k.

b) TPBank

  • Tính đến hiện tại thì đây là ngân hàng mình sử dụng với thời gian dài nhất, và gần như không có lý do nào để chê được TPBank. Ngân hàng này tốt đến nỗi mỗi khi có người hỏi tư vấn về ngân hàng mình sẽ không ngần ngại PR cho TPBank.
  • Đánh giá: 10/10.

Tại sao TPBank được lòng trong mắt không chỉ mình mà rất nhiều người khác?

  • Thủ tục của TPBank cực kỳ đơn giản, mình lập tất tần tật mọi thứ chỉ mất chưa đến 15’, khi đến lấy thẻ thì mình chỉ mất khoảng 3’ là xong.
  • TPBank như toàn tuyển mấy anh chị trai xinh gái đẹp thì phải, đặc biệt là thái độ phục vụ cực kỳ dễ thương cũng như nhanh nhẹn – tác phong,… bla bla.
  • Hiện tại mình đang dùng thẻ ghi nợ quốc tế Visa Debit của TPBank, phí của thẻ này trong năm đầu là bằng 0, bạn sẽ được miễn phí phát hành, miễn phí thường niên năm đầu, miễn mọi phí rút, kể cả rút ở ATM của ngân hàng khác. Đồng thời thẻ Visa của TPBank cũng có phí chuyển đổi ngoại tệ thấp nhất trong tất cả các loại thẻ được phát hành tại Việt Nam: 1,8%.
  • TPBank là một trong những ngân hàng hiếm hoi có OTP cấp qua app, ưu điểm của hình thức này sẽ tiết kiệm khoản phí OTP qua tin nhắn, không bị phụ thuộc vào sóng điện thoại và cũng phần nào đó an toàn hơn là nhận qua tin nhắn.
  • Việc rút tiền ở các ATM hay LiveBank của TPBank là vô cùng thuận tiện. Đối với LiveBank ngoài sử dụng thẻ của TPBank thì bạn có thể sử dụng chứng minh thư, vân tay hay app TPBank QuickPay. Đối với các ATM của TPBank thì có thể dùng thẻ và app QuickPay để rút.
  • Thẻ Visa hay Visa Debit của TPBank là 1 trong những loại thẻ đầu tiên ở Việt Nam có tích hợp công nghệ contactless.
  • TPBank có LiveBank, là một phòng máy cho phép khách hàng nộp tiền, rút tiền, chuyển khoản, mở tài khoản thanh toán, mở sổ tiết kiệm với lãi cao hơn ngoài chi nhánh. Thậm chí bạn có thể nhận được thẻ nội địa tại LiveBank ngay sau khi đăng ký. Với những tiện ích như vậy thì LiveBank đáp ứng được đầy đủ những nhu cầu khi sử dụng ngân hàng của mình, thay thế được vai trò của chi nhánh ngân hàng và đánh bại toàn bộ các máy ATM và CDM (Cash Depositing Machine) của các ngân hàng khác.

Cũng chính vì có LiveBank mà việc nộp tiền vào tài khoản khi sử dụng là vô cùng thuận tiện bởi LiveBank hoạt động 24/24, mọi thao tác được hoàn thành rất nhanh, không phải mất công chờ đợi như ra chi nhánh.

Video từ Tinh Tế có demo thực tế tính năng LiveBank của TPBank:

Video demo minh họa công nghệ Contactless:

Điểm trừ của ngân hàng TPBank:

TPBank không miễn phí hoàn toàn, cụ thể là hàng tháng sẽ bị thu 8.800đ phí quản lý tài khoản và đối với mỗi giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng thì cũng sẽ tính phí 8.800đ. Về phần chuyển khoản liên ngân hàng này thì phần lớn các ngân hàng khác cũng thu ở quanh mức 8.800đ và mình thì không chuyển khoản nhiều nên coi như không tính vào phí hàng tháng.

c) VPBank

  • Lưu ý: VPBank mình đang sử dụng gói VPBank Super Dream nên mình sẽ chỉ đề cập xung quanh gói tài khoản này.
  • Mình cũng mới tạo tài khoản VPBank được chưa đầy 1 tuần nên chưa đánh giá được nhiều về ngân hàng này. Tuy nhiên VPBank là một ngân hàng TMCP lớn nên khá an tâm và có nhiều ưu đãi dành cho chủ thẻ tín dụng.

Có 1 vài nhận xét nhẹ a/e có thể xem qua:

  • Đối với gói VPBank Super Dream, bạn sẽ được miễn phí thường niên, miễn mọi phí chuyển khoản, Ebanking, phí phát hành thẻ và phí rút, kể cả phí rút ngoại mạng. Tuy nhiên điểm trừ là chỉ được miễn phí phát hành và phí rút thẻ ghi nợ nội địa của riêng gói VPBank Super Dream.
  • Gói Super Dream chỉ ưu đãi trong vòng 2 năm đầu, sau 2 năm bạn phải duy trì số dư tài khoản bình quân hàng tháng trên 10.000.000 hoặc sẽ mất phí 55.000 để duy trì tài khoản.
  • VPBank ở Hà Nội có mạng lưới khá lớn, cả về phòng giao dịch lẫn số lượng ATM. Ngoài ra thì VPBank cũng có hệ thống CDM cho phép khách hàng nộp tiền vào tài khoản, tuy nhiên đa số các CDM này được đặt bên trong phòng giao dịch nên khung giờ hoạt động cũng sẽ theo phòng giao dịch, nếu phòng giao dịch đóng thì cũng không thể sử dụng được. Theo như mình tìm trên trang của VPBank thì ở Hà Nội chỉ có 8 CDM hoạt động 24/7.
  • Nhược điểm mà mình mới tìm ra đó là phần chuyển khoản liên ngân hàng chỉ support chuyển 24/24 đối với một vài ngân hàng, nếu kể ngân hàng phổ biến thì có duy nhất Vietcombank hay TPBank mà mình đang dùng, còn lại đa số là các ngân hàng nhỏ ít người sử dụng. Với các ngân hàng còn lại thì giao dịch ngoài khoảng thời gian từ 8h – 15h vẫn sẽ bị chuyển sang ngày làm việc tiếp theo.
Với a/e hay chuyển khoản thì điều này sẽ gây khó khăn trong quá trình sử dụng

d) Techcombank

  • Hiện tại Techcombank là ngân hàng lớn thứ 3 Việt Nam, nhưng lại là ngân hàng TMCP của tư nhân, không nằm trong nhóm Big 4 (Tứ đại ngân hàng công của Việt Nam bao gồm Vietinbank, Vietcombank, BIDV và Agribank). Techcombank xếp lần lượt sau Vietinbank và Vietcombank, đứng trên BIDV 1 bậc.
  • Mình thì chưa sử dụng Techcombank, nhưng rất nhiều người quen của mình sử dụng Techcombank và đều rất hài lòng.

Qua tìm hiểu thì dịch vụ của Techcombank như sau:

  • Ưu điểm lớn nhất của Techcombank so với tất cả các ngân hàng khác là dịch vụ chuyển khoản liên ngân hàng 24/24 qua Mobile Banking hoàn toàn miễn phí, cho dù bạn có chuyển quá 500 triệu thì cũng vẫn được miễn phí.
  • Khi đăng ký gói tài khoản thì bạn sẽ được miễn phí phát hành thẻ ghi nợ nội địa, và phí rút thì giống đa số các thẻ Napas khác, 1.100 với rút tại ATM của Techcombank và 3.300 khi rút tại ATM các ngân hàng khác. Tuy nhiên Techcombank cũng có 1 phần rút tiền không cần thẻ, cụ thể là bạn sẽ đặt lệnh rút tiền trên app Mobile Banking của Techcombank, sau đó nhập mã tại ATM Techcombank và khi rút theo cách này thì bạn sẽ không mất phí rút.
  • Khi sử dụng gói tài khoản kèm theo thẻ ghi nợ nội địa được phát hành kèm theo gói, thì mỗi tháng nếu duy trì được số dư bình quân trong tài khoản >2 triệu thì bạn sẽ được miễn phí duy trì, nếu không thì sẽ bị thu phí 9.900đ/tháng.
  • Đối với thẻ Visa Debit của Techcombank thì phí phát hành, phí thường niên, phí rút ngoại mạng cũng như là tỉ lệ chuyển đổi ngoại tệ thì hơi cao 1 chút, cụ thể với hạng chuẩn thì phí phát hành là 110.000, phí thường niên là 165.000/năm, phí rút ngoại mạng là 10.890/lần rút.
  • Các thẻ Visa và Visa Debit của Techcombank đều có tích hợp công nghệ contactless.
  • Hiện tại thì Techcombank cũng đã bắt đầu triển khai hệ thống ATM tích hợp CDM, tuy nhiên mình thấy vẫn chưa có nhiều nhưng với tiềm lực của Techcombank thì mình nghĩ hệ thống này sẽ được triển khai nhanh chóng.
  • App F@st Mobile của Techcombank được hoàn thiện khá tốt, hiện đã tích hợp cả chức năng Smart OTP – nhập OTP ngay trong app, không cần đến tin nhắn OTP.

e) Timo

  • Timo ban đầu là một ứng dụng tài chính, sau đó phát triển trở thành một ngân hàng số dưới sự bảo trợ của VPBank.

Có vài điều a/e cần biết về thằng Timo này:

  • Toàn bộ cơ sở hạ tầng của Timo hiện tại là sử dụng của VPBank, chính vì thế nên khi chuyển tiền vào tài khoản Timo thì bạn sẽ chọn chuyển vào VPBank, hay như nếu muốn nộp tiền thì bạn sẽ phải sử dụng CDM của Timo.
  • Timo hiện chỉ có thẻ tín dụng MasterCard và thẻ ghi nợ nội địa. Và việc phát hành cả 2 loại thẻ này đều yêu cầu chủ thẻ trên 18 tuổi.
  • Đối với thẻ ghi nợ nội địa của Timo thì khách hàng được miễn mọi loại phí, ngoài ra Timo cũng miễn các loại phí như chuyển khoản liên ngân hàng.
  • Tuy nhiên, do dùng chung cơ sở hạ tầng với VPBank nên VPBank có những nhược điểm nào thì Timo cũng sẽ có nhược điểm đó. Cụ thể hơn là Timo cũng chỉ hỗ trợ chuyển khoản liên ngân hàng 24/24 với một số ngân hàng nhất định.
  • Nếu đã mở tài khoản của Timo thì bạn sẽ không thể mở tiếp tài khoản của VPBank và ngược lại.
  • Thực sự nếu so về ngân hàng số thì Timo vẫn thua TPBank khá xa về mặt cơ sở hạ tầng do Timo phải sử dụng chung hệ thống của VPBank, đồng thời Timo mới chỉ có phòng giao dịch tại Hà Nội và TPHCM nên nếu cần đến chi nhánh thì thực sự bất tiện cho chủ thẻ vì ngân hàng số vẫn thực sự cần những phần cứng, phòng giao dịch với người để có thể hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

f) Các ngân hàng khác trong nhóm Big 4 (Vietinbank, Vietcombank, BIDV)

  • Nhìn chung thì đặc điểm của các ngân hàng công đều là nhiều loại phí, thủ tục phức tạp, quan liêu, đa số thái độ phục vụ ở các chi nhánh không tốt.
  • Do đều là những ngân hàng công và đã có mặt lâu đời nên có lẽ ưu điểm duy nhất là các ngân hàng trong nhóm Big 4 đều có nhiều chi nhánh. Đối với các thành phố lớn như Hà Nội hay TPHCM thì việc có nhiều chi nhánh hay không hiện tại có lẽ không có quá nhiều khác biệt bởi ranh giới này đang dần bị thay thế bằng hệ thống ATM, CDM. Tuy nhiên ở các vùng nông thôn thì đây lại trở thành 1 ưu điểm của các ngân hàng này khi chưa có đa dạng các ngân hàng khác.
  • Trong số các ngân hàng Big 4 thì BIDV có lẽ là đỡ nhất vì thấy không bị phàn nàn nhiều bằng VCB và CTG.

3. Kết luận:

  • Nếu muốn làm thẻ ngân hàng với thủ tục đơn giản nhất thì hay lựa chọn thẻ Debit, ngược lại nếu muốn hưởng nhiều ưu đãi đồng thời có thể đáp ứng được các yêu cầu về chứng minh tài chính thì mở thẻ Credit.
  • Các ngân hàng đáng sử dụng nhất là TPBank và Techcombank. Thẻ ghi nợ quốc tế TPBank sẽ phù hợp với người tiêu nhiều, sử dụng thẻ nhiều (nộp, rút tiền). Trong khi đó Techcombank sẽ phù hợp với những người có nhu cầu buôn bán, chuyển khoản nhiều.
  • Đối với ai có khả năng chi trả phí hàng tháng 1 chút, có nhiều cả nhu cầu lẫn chuyển khoản và tiêu tiền qua thẻ thì có thể làm theo phương án sử dụng cả Techcombank và TPBank. Trong đó tiền sẽ để chủ yếu trong Techcombank hoặc chia đều ra cả 2 tài khoản, khi nào cần tiêu hay rút thì chuyển khoản sang tài khoản TPBank.
  • Ngoài ra thì VPBank cũng là 1 ngân hàng rất tốt và các ngân hàng mình đang sử dụng đều có hệ thống ATM/CDM vô cùng tiện lợi.
  • Ngoại trừ trường hợp bắt buộc thì mọi người không nên làm thẻ của các ngân hàng trong nhóm Big 4 do thủ tục thường phức tạp và nhiều loại phí. Các ngân hàng nhỏ quá cũng không nên làm do ít chi nhánh, giao dịch khó khăn.

Thông tin thú vị bên lề:

Dưới góc nhìn trong người làm data analyst, đa phần DA, BA giỏi đang đầu quân cho techcombank và VP bank nên có thể coi là 2 ngân hàng hi tech nhất VN hiện nay. Ngoài ra, hiện tại Việt Nam chưa hoàn thiện luật pháp bảo vệ thông tin cá nhân, và ngay chính nhân viên nội bộ cty k có ý thức bảo vệ data khách hàng. VD tháng 11 vừa r TGDD bị hack toàn bộ dữ liệu r bị public trên mạng. người ta chụp đc nguyên bảng excel số thẻ, tên chủ thẻ, exp date, cvv của thẻ khách hàng đầy đủ luôn. Bạn a còn bị chúng nó hack thẻ dùng thanh toán trên Tiki mấy chục triệu. Nói chung ở VN hạn chế dùng thẻ, ví điện tử, hay thanh toán online trừ khi dám chắc cty đấy security mạnh và đảm bảo data privacy cho khách hàng

Bài viết được tác giả Bùi Việt Anh viết, bạn này chủ yếu chia sẻ “trải nghiệm cá nhân” nhưng với bản thân mình là 1 người dùng qua khá nhiều ngân hàng, từ: Vietcombank, TPBank, Timo, VPBank, BIDV và HDBank thì thấy rằng những ý kiến chủ quan trên của Việt Anh hoàn toàn khớp với trải nghiệm của mình.

Rất hi vọng anh em đọc được bài viết này sẽ hiểu được nhiều thứ, mình cũng có xin phép tác giả rõ ràng để chia sẻ lên blog cho a/e tiếp cận được nhiều hơn. Hi vọng là anh em sẽ thích khi đọc bài viết này!

Nguồn: Note của Bùi Việt Anh 

4.8/5 - (11 bình chọn)
Bài trướcHỏi: Sống ở châu Âu có tốt hơn ở Mỹ không?
Bài tiếp theoChia sẻ 1 vài Mẹo Vặt Cực Đỉnh trong Giao Tiếp Hằng Ngày
Tui là 1 con người cả ngố đó mấy bạn, thật may tui được thằng Tín tà tưa (bạn cùng phòng) nhờ làm cái web mà nó không viết gì, tui cũng không biết viết nhưng mà bỏ phí domain tốn xiền. Share Ngay ra đời lãng xẹt z đó. Blog này tui viết hồi cuối tháng 3/2018, có thể thấy độ trẻ trâu qua từng năm của tui không hề giảm. Nói thiệt nha, tui quý mấy bạn đọc cái blog này dù cho nó có mang lại giá trị cho mấy bạn không, nhưng mà tui thực sự cảm ơn mấy bạn. Hông giống Youtube, đăng lên phát là có vài chục ngàn view, tui đăng lên 1 phát có chục view là: "Ơ, dm, sao bữa này nhiều ng đọc dị. Tui dzui. Mấy bạn comment, tui đọc. Tui dzui. Đơn giản dậy thôi". Tui quỡn lắm, lâu lâu đọc lại những gì mình viết rồi thấy trẻ trâu mà không dám sửa. Thôi cứ để nó là 1 kỷ niệm. Ờ, nói nhiều là dậy, vì tui muốn mấy bạn thoải mái nhất khi đọc những dòng này nên viết có hơi dài dòng. Đoạn giới thiệu dễ thương này dành tặng tất cả những ai yêu mến Share Ngay. Sharahero!!!
Theo dõi
Thông báo về
guest
21 người bình luận
mới nhất
cũ nhất like nhiều nhất